Cầm Nương - Chương 8

Năm ấy đầu đông, từ đại lao Dại Danh phủ truyền đến tin lành: nhà họ Chu ta rốt cuộc được thả rồi.

 

Tin vừa đến, nàng liền vui như người vừa nhận sắc phong, lập tức thuê xe ngựa, đưa ta thẳng một đường đến Dại Danh phủ.

 

Song, phụ mẫu ta tuy đã được thả ra khỏi ngục, lại không thể cùng chúng ta trở về Nguyệt Lăng huyện.

 

Bởi triều đình đã có chiếu, lệnh phụ thân ta mang theo cả nhà lập tức đến nhậm chức ở Diêm Châu.

 

Diêm Châu núi cao nước độc, lam sơn chướng khí, xưa nay vốn là nơi lưu đày tội phạm, ngay cả thương nhân cũng thà đi đường vòng xa mấy trăm dặm còn hơn đặt chân đến đó.

 

Lúc ly biệt, nàng quỳ rạp trên đất khóc lớn, nói rằng:


"Chủ quân, đại nương tử, xin mang thiếp cùng Hạ nhi theo đến Diêm Châu, đừng bỏ mặc mẹ con thiếp nơi đây cô đơn lẻ bóng nữa!"

 

Mẫu thân ta, tóc sương điểm mai, nhẹ nhàng đỡ nàng dậy, nắm chặt tay nàng, rưng rưng nói:


"Khúc này đi Diêm Châu, chín phần là dữ, một phần lành. Nếu chúng ta chẳng may không trở về được, Hạ nhi chính là huyết mạch duy nhất của nhà họ Chu. Thật ra nếu không phải trong chiếu thư viết rõ phải đủ bốn người họ Chu đồng hành, cả Việt ca và Huyền ca, ta cũng muốn gửi gắm cho muội rồi. Ân tình của muội, nhà họ Chu ta khắc cốt ghi tâm."

 

"Đại nương tử..."

 

Chỉ một lời ấy, đã đoạn tuyệt mọi hy vọng trong lòng nàng.

 

Nàng níu chặt ống tay áo mẫu thân ta, lệ tuôn như mưa, ngửa mặt lên trời thét dài, đau đớn đến giậm chân dằn ngực.

 

Nhưng có giậm đến rách đất cũng vô ích, vì lời mẫu thân ta đâu có sai.

 

Chuyến này, là sinh ly hay tử biệt, há có ai dám đoán chắc?

 

Chẳng lẽ biết là đường chết, lại còn muốn cả nhà dắt díu nhau cùng vong?

 

Trong lệ biệt ly, xe ngựa chở người nhà họ Chu rời khỏi thành Dại Danh.

 

Ngoài thành, nàng cứ chạy theo xe mãi, tóc búi tung rối, áo váy rách bươm, ngay cả giày cũng rơi mất.

 

Cuối cùng, xe ngựa dần khuất xa, nhỏ lại, cho đến khi chỉ còn là một chấm đen nhòa giữa tầng tầng mây vàng của đầu đông.

 

Còn nàng, cũng ngã quỵ trên mặt đất lạnh lẽo, mặc cho nỗi bi ai nuốt trọn thanh âm.

 

Ngàn dặm mây vàng che bóng trắng, gió bấc cuốn nhạn tuyết vần vũ.

 

Nghĩ lại ngày nọ bên bờ Linh Hoa Giang, thám hoa lang xả thân cứu mạng, kỹ nữ chốn lầu xanh thoát cảnh tử sinh.

 

Ai ngờ sáu năm chớp mắt qua đi, vận mệnh lại vòng vo, cuối cùng vẫn chẳng thoát khỏi bể khổ sinh tử?

 

Sau khi trở lại Nguyệt Lăng huyện, nàng đưa ta về, rồi rước cả Phượng nương đến ở chung tại tiệm bánh điểm tâm.

 

Từ ba năm trước suýt chết một lần, Phượng nương cũng dần nguội lòng, đoạn tuyệt hồng trần.

 

Suốt năm gần đây, nàng rửa sạch son phấn, đóng cửa không tiếp khách, mỗi ngày chỉ yên lặng đọc sách, mặt mộc không trang điểm.

 

Trần ma ma bối rối, khúm núm khuyên can khắp lời, song nàng một mực không lay chuyển, nhất quyết không tiếp khách nữa.

 

Phong trần nhiều năm, nàng lặng lẽ tích góp được ngàn lượng bạc, nhân lúc Trần ma ma chán nản, liền lấy bạc chuộc thân cho chính mình.

 

Trần ma ma biết tâm ý nàng đã quyết, cũng không muốn xé toạc quan hệ, cuối cùng nhận bạc, nửa đẩy nửa thuận mà đáp ứng.

 

Nghe tin Phượng nương hoàn lương, nàng mừng như mở cờ, lập tức đón nàng về tiệm bánh.

 

Đôi oan gia vui nhộn ấy, rốt cuộc cũng lại có thể cãi cọ bên nhau.

 

Nàng bắt chước Phượng nương:


"Sống có gì vui, chết có gì khổ?"

 

Phượng nương học lại nàng:


"Lên lên lên, rồi xuống xuống xuống xuống xuống…"

 

Nói xấu nhau chán chê, hai người lại ôm bụng cười lăn, lăn đến tận giường, la hét rằng bụng đau.

 

Mỗi lần như vậy, ta chỉ biết nâng sách mà than thở:


"Ai da, hai người điên thật rồi."

 

Mùa xuân năm Vạn Huy thứ hai, phụ thân ta gửi thư báo cả nhà đã an ổn tại Diêm Châu, may mắn bình yên vô sự.

 

Ngài còn viết, đã lập hai học đường tại châu ấy, học trò tứ phương kéo đến ngày một nhiều, khiến ngài rất mực an lòng.

 

Ta đọc thư cho nàng nghe, nàng vui đến độ ngân nga tiểu khúc ngay tại chỗ.

 

Khúc vừa dứt, nàng đắc ý cười nói:


"Chủ quân đúng là có tài, chẳng hổ là thám hoa lang năm nào!"

 

Phượng nương bên cạnh đang cuốn hương cầu chỉ mỉm cười không nói.

 

Nàng trừng mắt: "Cười gì?"

 

Phượng nương đáp:


"Cười có người kia, sáng tối ngày ngày quỳ bái Bồ Tát, nay Bồ Tát đã hiển linh rồi."

 

"Hà hà, ta khuyên ngươi cũng đừng bái tổ Tam Thanh nữa, mai sau bái cùng ta, quỳ trước Bồ Tát đi."

 

Hai người đùa giỡn đủ rồi, nàng lại giục ta hồi thư cho phụ thân.

 

Chữ ta viết, vốn là tiểu khải cài hoa thanh nhã tuyệt đẹp, do Phượng nương năm xưa dạy.

 

Dưới ánh nến, ta trải giấy, nhíu mày đề bút, hai người họ liền phe phẩy quạt, yên lặng ngắm ta bên cạnh.

 

Không biết bao lâu, Phượng nương bỗng than:


"Thoắt cái Hạ nhi đã mười ba tuổi, sắp thành thiếu nữ rồi."

 

Nàng cũng sực ngẩn ra: "Thì chúng ta cũng đã già rồi."

 

"Không già sao được? Cả hai đều hai mươi bảy tuổi rồi, nếu là nữ nhi nhà tử tế, giờ con đàn cháu đống rồi."

 

"Hừ, làm mẹ thì có gì hay? Sinh nở là cửa quỷ, ta sợ chết khiếp."

 

"Nhưng không con không cái, sau này đến đám tang cũng chẳng ai khóc cho một tiếng."

 

"Vậy ngươi đi sinh đi."

 

"Xì, ta không sinh đâu, ta tu tiên vấn đạo, mai này còn lên Ngọc Thanh thành tiên nhân cơ mà."

 

Ta viết thư xong, nghe đến đây không nhịn được bật cười "khanh khách".

 

"Đừng lo, sau này con nhất định mang con cháu đầy đàn đến trước phần mộ hai người, khóc tang, đốt vàng mã."

 

Nghe xong, cả hai đồng loạt nhướng mày giận dữ, cùng lúc nhào đến cấu má ta:

 

"Con nha đầu xấu xa, con đang nguyền chúng ta chết đấy à!"

 

Việc buôn bán của tiệm bánh vẫn lúc thịnh lúc suy.

 

Ngày tốt, kiếm được mười lượng bạc; ngày xấu, kiếm mười văn cũng khó, còn phải cho nợ chịu.

 

Chỉ vì hoàng thất mấy năm nay tựa như trúng tà, năm ngoái Thái hậu mất, năm nay Vương gia chết, sang năm chưa biết lại thêm hoàng tử nào băng hà.

 

Nàng u sầu than như oan hồn vất vưởng:


"Đây chẳng phải chồn vàng chuyên rỉa vịt bệnh hay sao!"

 

May thay, nội các lấy Dương Tụng cầm đầu đã trừ gian thần, chỉnh quốc sự; hoàng đế trẻ tuổi lại chí thành hiếu học, triều cục dần hồi quang, dân sinh cũng có hi vọng.

 

Mùa xuân năm Vạn Huy thứ tư, Dương Tụng lâm bệnh qua đời, Trần các lão, bằng hữu thân cận của ông, được bổ làm tân thủ phụ.

 

Trần các lão mến tài trọng nghĩa, việc đầu tiên sau khi nhậm chức, chính là triệu phụ thân ta, Chu Sùng Đường, đang làm tri huyện ở Diêm Châu, về kinh, bổ nhiệm làm Thị lang bộ Hình.

 

Phụ thân ta, khí khái hào hùng, dung nghi như sương tuyết, văn tài cái thế, thiên hạ hiếm người sánh kịp.

 

Diêm Châu trăm năm chưa từng có người đỗ tiến sĩ, vậy mà chỉ ba năm phụ thân ta nhậm chức nơi ấy, liền đào tạo ra hai vị tú tài được phong "tiến sĩ xuất thân" và "đồng tiến sĩ xuất thân".

 

Dân Diêm Châu cảm niệm ân đức, dựng vô số cầu Sùng Đường, đường Sùng Đường, giếng Sùng Đường.

 

Lúc gia quyến nhà họ Chu rời Diêm Châu, dân chúng rơi lệ tiễn đưa, tiễn đến ba mươi dặm đường dài.

 

Nghe được tin mừng, nàng vui đến ba ngày ba đêm không chợp mắt.

 

Nàng lập tức quyết định đóng cửa tiệm, sớm chuẩn bị hành lý, mang ta hồi kinh.

 

Phượng nương chán ghét nói:


"Ngươi gấp gì thế? Chu thị lang còn chưa về đến kinh."

 

Nàng vừa thu xếp vừa cười hì hì:


"Ta có gấp đâu? Ta có gấp đâu? Ta có gấp đâu?"

 

Phụ thân ta đến kinh vào trung tuần tháng Bảy, đầu tháng Tám liền phái huynh trưởng ta, Chu Việt, đến Nguyệt Lăng huyện.

 

Huynh không chỉ mang thân đến, mà còn đem theo một đạo chiếu chỉ mỏng nhẹ như lông hồng.

 

Đó là chiếu thư... ban cho Phượng nương.

 

Bình luận
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Bình luận
guest
0 Bình luận
Có thể bạn thích